Nối móng đắp gel là kỹ thuật nâng cao trong bộ môn đắp gel móng tại các trung tâm đào tạo nghề nail. Nhiều bạn học viên không ngại khó vẫn chăm chỉ học hỏi bộ môn này bởi chúng tạo nên những đôi bàn tay thon gọn, mềm mại và quyến rũ cho khách hàng.
Để luyện tập thành thạo kỹ thuật nối móng đắp gel, nàng cần hiểu rõ về quy trình nối móng và fill móng sau:
Nội dung bài viết
Quy trình nối móng đắp gel
1. Vệ sinh, tạo form móng.
Sau khi lấy sạch da, nàng cắt tỉa gọn gàng lại móng thật cho khách rồi tạo form bằng dũa. Tiếp theo, dùng máy mài móng với đầu mài nhám, nàng nhám thật kỹ bề mặt móng để tạo độ nhám phù hợp trước khi gắn móng giả.
2. Gắn móng giả:
Ở phần này, chất lượng của keo dán là vô cùng quan trọng để quyết định bộ móng có bền đẹp hay không. Bên cạnh đó, một bộ móng giả có form chuẩn, độ dẻo dai cao cũng đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho độ bền của móng.
Khi cho keo vào móng giả, chị em lưu ý không đổ keo quá nhiều hoặc quá ít. Lượng keo bao nhiêu là đủ thường được ước chừng sau vài lần luyện tập cũng như phụ thuộc độ to của móng. Đối với keo dán có kèm theo đầu chổi, nàng tận dụng chổi quét đều keo lên móng nhanh tay sao cho keo bám 100% ở đoạn nối.
Đặt móng giả thẳng hàng với móng thật, ấn nhẹ dần về đầu móng tránh bọt khí tràn vào. Giữ nhẹ móng trong 10-15 giây cho keo khô.
3. Tạo form móng giả:
Nàng dùng kéo cắt form móng, ước chừng độ dài các móng đồng đều nhau và cắt tỉa gọn gàng. Dũa lại các cạnh của móng giả bằng dũa có độ grit trung bình.
Dùng máy mài có đầu nhám thích hợp, nàng nhám phần tiếp nối giữa móng giả và móng thật sao cho độ mỏng của móng giả tự nhiên hơn. Mục đích của việc này là giảm sự lộ liễu của móng giả có độ dày cao.
Sử dụng giấy lau gel loại cứng, thấm nhẹ lớp cồn lau móng và lau kỹ mạt bụi còn sót lại sau khi mài.
4. Đắp gel:
Lấy một lượng gel đắp móng chuyên dụng (độ nhiều/ít của gel tuỳ thuộc vào độ dày/mỏng nàng muốn đắp), đặt cách gốc móng khoảng 2mm.
Dùng chổi đắp gel dàn đều cho tròn gốc móng, kéo dần lên phía đầu móng rồi tràn gel sang hai bên cạnh móng.
Hơ dưới máy hơ gel đèn LED/UV trong khoảng 30-90 giây tuỳ vào độ dày của gel.
5. Dũa lại form móng:
Sử dụng dũa loại cứng dũa lại form móng một lần nữa cho thật chuẩn và vừa ý, sau đó nàng mài mịn bề mặt bằng máy mài.
Đến bước này, tuỳ theo mẫu móng khách yêu cầu, chị em thực hiện trang trí móng cho phù hợp. Kết thúc bộ móng đắp gel với sơn top bóng và lau khô lại bằng cồn.
Lưu ý khi thực hiện nối móng đắp gel
– Dùng máy sấy đủ công suất để khô lớp gel bên trong, tránh tình trạng gel quá giòn hoặc chưa khô kỹ gây gãy ngang.
– Gel đắp móng nên là loại gel lạnh (hard gel) để giảm độ nóng rát lên móng thật của khách hàng.
Kỹ thuật nối móng đắp gel là bộ môn làm móng nâng cao, đòi hỏi tay nghề khéo léo, vững vàng cũng như độ tỉ mẩn cao để tạo nên form móng đều đẹp. Một thời gian sau khi đắp gel, hiện tượng hở gốc móng do móng mọc dài ra sẽ cần đến kỹ thuật fill móng.
Yabe hẹn nàng ở bài viết về kỹ thuật fill móng thần thánh tiếp theo để chỉnh sửa mẫu nail mà không cần tháo tung cả tác phẩm để làm lại từ đầu nhé.
Xem thêm: 8 bước thực hiện đắp bột khuôn nhôm